Search
Thứ 5, 21/11/2024, 18:20 PM
Thứ 3, 02/05/2023, 10:35 AM

Vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 lịch sử nước Mỹ: Đi vào vết xe ‘quá lớn để có thể sụp đổ’?

(Tài chính) - Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren viết trên Twitter: "Một ngân hàng không được giám sát chặt chẽ và đã sụp đổ lại được mua lại bởi 1 ngân hàng lớn hơn. Rõ ràng người nộp thuế đang đứng trước nhiều rủi ro.

Ngành Mỹ lại vừa chứng kiến thêm 1 vụ phá sản. JPMorgan Chase đã đồng ý mua lại First Republic Bank trong 1 thỏa thuận được chính phủ dẫn dắt, sau khi nỗ lực giải cứu thất bại với lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán của FRB cũng như lượng tiền gửi bị rút ra quá lớn.

Thỏa thuận được công bố vào hôm qua, ngay sau khi First Republic chính thức được cơ quan chức năng tiếp quản. Thỏa thuận khiến JPMorgan - vốn là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - lại càng phình to hơn, trong khi giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang FDIC.

Vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 lịch sử nước Mỹ: Đi vào vết xe ‘quá lớn để có thể sụp đổ’?

First Republic chính là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong Mỹ, và đây cũng là ngân hàng khu vực (regional bank) thứ 4 phá sản chỉ trong gần 2 tháng qua.

Phát biểu trước , CEO Jamie Dimon của JPMorgan cho biết: "Hi vọng rằng điều này sẽ giúp mọi thứ ổn định trở lại. Vài tuần gần đây, nhiều ngân hàng khu vực đã công bố kết quả kinh doanh quý I và thực tế là chúng ta có một số kết quả khá tốt. Hệ thống ngân hàng đang rất ổn".

Ngân hàng của Dimon mua lại các khoản cho vay có tổng trị giá 173 tỷ USD của First Republic, cộng với 92 tỷ USD tiền gửi và 30 tỷ USD các loại chứng khoán. JPMorgan và FDIC nhất trí sẽ cùng nhau san sẻ gánh nặng từ các khoản lỗ cùng như các khoản cho vay bất động sản thương mại.

Theo nguồn tin thân cận, JPMorgan là bên duy nhất đưa ra đề nghị mua lại toàn bộ First Republic từ tay FDIC. Đối với FDIC, đây là lựa chọn hấp dẫn hơn so với việc chẻ nhỏ và bán từng phần của First Republic hay tham gia vào các thỏa thuận phức tạp để tìm ra nguồn vốn xử lý các khoản vay thế chấp có giá trị lên tới 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, không ít người chỉ trích thương vụ này. Giờ đây JPMorgan càng trở nên lớn hơn trong khi từ những bài học rút ra trong cuộc khủng hoảng trước thì nước Mỹ vẫn muốn tránh tình trạng "quá lớn để sụp đổ". Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren viết trên Twitter: "Một ngân hàng không được giám sát chặt chẽ và đã sụp đổ lại được mua lại bởi 1 ngân hàng lớn hơn. Rõ ràng người nộp thuế đang đứng trước nhiều rủi ro. Quốc hội cần phải đưa ra giải pháp để đại cải tổ hệ thống ngân hàng".

JPMorgan sẽ trả cho FDIC 10,6 tỷ USD, đồng thời ước tính sẽ dành ra khoảng 2 tỷ USD làm chi phí tái cấu trúc trong 18 tháng tới. Trong số 92 tỷ USD tiền gửi của First Republic, có 30 tỷ USD mà JPMorgan và một nhóm các ngân hàng lớn khác đã tiếp viện cho First Republic hồi tháng 3 trong nỗ lực giải cứu ngân hàng này. JPMorgan cam kết sẽ trả lại 30 tỷ USD cho các ngân hàng khác.

FDIC ước tính quỹ bảo hiểm tiền gửi sẽ thiệt hại khoảng 13 tỷ USD trong vụ này. Jonathan McKernan, 1 thành viên của hội đồng quản trị FDIC, cho rằng ngân hàng đổ vỡ là điều khó tránh khỏi trong hệ thống tài chính biến đổi không ngừng và đầy tính sáng tạo như hiện nay.

"Chúng ta nên ứng phó bằng cách tập trung đảm bảo các ngân hàng có nguồn vốn khỏe mạnh, đồng thời xây dựng khung pháp lý hiệu quả để chấm dứt văn hóa giải cứu các ngân hàng tư nhân bằng tiền thuế của người dân", ông nói.

JPMorgan khẳng định kể cả sau khi tiếp nhận First Republic thì tỷ lệ vốn cấp 1 vẫn tương ứng với mục tiêu 13,5% đã đề ra cho quý I. Hơn nữa thương vụ sẽ giúp thu nhập ròng của ngân hàng tăng thêm hơn 500 triệu USD mỗi năm.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ vẫn đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực giải cứu First Republic trong những tháng vừa qua. JPMorgan đã cố vấn cho các ngân hàng khác khi First Republic cố gắng tìm đối tác chiến lược. Dimon là người đứng ra kêu gọi các lãnh đạo ngân hàng khác bơm 30 tỷ USD cho First Republic.

First Republic đã phát triển rất mạnh các dịch vụ dành cho nhóm khách hàng giàu có, 1 điểm khá tương đồng với SVB tập trung vào các công ty vốn đầu tư mạo hiểm. Chủ tịch Jim Herbert lập ra First Republic vào năm 1985, ban đầu có chưa đến 10 nhân viên. Tháng 7/2020, First Republic tự nhận là ngân hàng lớn thứ 14 ở Mỹ với 80 văn phòng tại 7 bang. Tính đến cuối năm ngoái, ngân hàng có hơn 7.200 nhân viên.

Giống như các ngân hàng khu vực khác, First Republic "gục ngã" khi Fed liên tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát - điều làm giảm đáng kể giá trị của số trái phiếu và những khoản vay mà ngân hàng đã mua khi lãi suất thấp. Trong khi đó tiền gửi ồ ạt bay đi, một phần bởi người gửi đi tìm những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn và sau đó là do lo ngại về sức khỏe của ngân hàng.

Kết quả là First Republic có 1 lỗ hổng về vốn đủ lớn để làm nản lòng bất kỳ nỗ lực giải cứu nào. Sau khi chật vật vượt qua những sóng gió từ vụ SVB hồi tháng 3, đến tháng 4 làn sóng lo ngại lại dâng lên cao sau khi ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I và xuất hiện những tin tức về nỗ lực bán tháo tài sản. First Republic cho biết sẽ cắt giảm khoảng 25% nhân viên, hạ tỷ lệ và hạn chế những hoạt động không cần thiết.

Từng có lúc đạt 170 USD vào tháng 3/2022, đến cuối tháng 4 cổ phiếu của First Republic đã giảm xuống dưới 5 USD. Ngoài các cổ đông sở hữu cổ phiếu thông thường sẽ bị thiệt hại, ngân hàng này còn có 3,6 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi và 800 triệu USD trái phiếu không được đảm bảo.

Năm 2007, Merrill Lynch đã chi 1,8 tỷ USD để thâu tóm First Republic. Sau đó First Republic lại được chuyển sang cho Bank of America khi ngân hàng này mua Merill Lynch năm 2009. Đến giữa năm 2010, một nhóm các quỹ đầu tư trong đó có General Atlantic và Colony Capital mua First Republic với giá 1,86 tỷ USD và đưa cổ phiếu lên sàn.


Tin doanh nghiệp

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Top
Điện thoại:

Cẩm nang doanh nhân - https://camnangdoanhnhan.vn/. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Cẩm nang doanh nhân giữ bản quyền trên website này

Email: mediavietnam9999@gmail.com

1.17160 sec| 1815.383 kb